Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Đối đầu căn bệnh tan máu bẩm sinh

Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình

Trò chuyện với mọi người, chị V. một người mẹ quê ở tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lặn lội cùng con lên đây từ 7 giờ sáng, kể lại: lấy chồng đã lâu và đã có 2 mặt con, những đứa con đó từ lúc sinh ra và lớn lên đều phát triển bình thường nên khi có bầu đứa thứ 3, chị không hề mảy may lo nghĩ. Vậy nhưng sau khi sinh bé được hơn tháng thì cháu có biểu hiện vàng da bệnh lý. Đưa con đi làm xét nghiệm ở bệnh viện (BV) địa phương cũng không cho ra kết quả là bệnh gì. Thế rồi cháu cứ xanh xao vàng vọt dần! Mới một năm trước đây, chị quyết định đưa con lên làm xét nghiệm tại BV. Truyền máu - Huyết học TP.HCM thì mới phát hiện con mình bị bệnh Thalassemia (còn gọi là tan máu bẩm sinh - TMBS). Đau khổ và tuyệt vọng đã không dập tắt được ý chí của người mẹ dũng cảm này, chị quyết định cùng con đương đầu với bệnh…

Bi kịch xảy ra không chỉ với riêng cháu N, một bệnh nhi chưa đầy 4 tuổi mà còn với cả gia đình cháu bé. Cháu được phát hiện bệnh cách đây 2 năm, khi cháu vừa tròn 2 tuổi. Khi ấy, gia đình không hiểu TMBS là gì nhưng khi thấy cháu mang bệnh như vậy thì gia đình bên chồng cứ đổ riết cho người mẹ là nuôi con không đúng cách, không cho cháu ăn đủ chất… Rồi đến khi biết bệnh TMBS là một căn bệnh di truyền thì lại quay qua kết luận rằng do bên nhà ngoại, bởi nhà nội chưa có ai bị bệnh này. Mẹ cháu bé cứ âm thầm chịu đựng đủ lời nhiếc móc của mọi người trong một thời gian dài. Đến khi xét nghiệm mới biết cả cha và cả mẹ đều mang gen này, lúc ấy, cả nhà mới thôi không đàm tiếu nữa.

Theo các bác sĩ của BV. Truyền máu- Huyết học TP.HCM, không phải là không còn sự kỳ thị, phân biệt về căn bệnh TMBS do thiếu hiểu biết của mọi người về căn bệnh này. Ngoài gánh nặng về tâm lý, người bệnh và cả người nhà của người bệnh còn bị dằn vặt, ám ảnh nỗi đau về bệnh tật, về những lần truyền máu, xét nghiệm, tiêm thuốc thải sắt…

Anh T. và chị H. lập gia đình với nhau cách đây 5 năm, ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng chỉ được vài giờ, cháu đã có ngay các biểu hiện bệnh lý. Đưa cháu đi làm các xét nghiệm máu thì quả nhiên cháu bị bệnh TMBS do gen của cả cha lẫn mẹ. Từ đó là một hành trình dài gian khổ của cả hai vợ chồng trẻ đối diện với bệnh tình của con. Cứ 2 tháng là 3 lần đưa con lên TP.HCM để truyền máu và uống thuốc thải sắt. Chị H. nói trong nước mắt: “Kinh tế gia đình cũng chẳng mấy khá giả. Cũng may là cháu có bảo hiểm y tế nên không tốn mấy tiền thuốc men nhưng công việc của hai vợ chồng liên tục bị gián đoạn. Rồi thì tiền xe cộ đi đường, tiền lưu trú, ăn uống… ngốn sạch mọi khoản tiền mà cả hai vợ chồng làm ra”. Nỗi đau ấy ám ảnh hai vợ chồng đến nỗi không dám bàn tới chuyện có đứa con thứ hai.

Phòng bệnh cho cả thế hệ mai sau

BS.CKII. Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết: bệnh nhân TMBS phải truyền máu và thải sắt suốt đời. Phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa dứt bệnh là ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy).Tuy nhiên, ghép tủy chỉ được chỉ định cho trường hợp Thalassemia thể nặng và tỉ lệ tử vong trong khi ghép khá cao, chiếm đến 30%. Hơn nữa, chi phí ghép tủy khá cao, có thể lên đến 30.000 USD/ca. Còn theo số liệu của BV. Huyết Học - Truyền máu TP.HCM cho thấy: để nuôi sống, điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh TMBS cho đến năm 30 tuổi sẽ mất khoảng 3 tỉ đồng. Việt Nam có xấp xỉ 20.000 bệnh nhân đồng nghĩa với việc mỗi năm tiêu tốn 60 ngàn tỉ đồng!

Xin mượn câu chuyện do một tình nguyện viên của chương trình hiến máu nhân đạo kể lại về anh T. một bệnh nhân 41 tuổi và cũng ngần ấy năm sống chung với căn bệnh này để thấy rằng: mang căn bệnh TMBS là nỗi đau không chỉ của người bệnh mà còn của cả gia đình. Do đó, những người cha, người mẹ cần có trách nhiệm tạo nên tương lai tốt đẹp cho con cái mình thay vì phải mang bệnh cả đời.

Số là sau khi biết được đây là bệnh di truyền qua gen và có nguy cơ ảnh hưởng đến các thế hệ sau, anh T. đã quyết định không lập ra đình. Và tìm mọi cách đưa thông tin về căn bệnh cho mọi người cùng hiểu và hướng dẫn cách phòng tránh để không có những cuộc đời như bản thân anh.

Càng mệt, càng biết phải chiến đấu với nó cả đời, anh T. càng chăm chỉ học hành, lấy đó làm niềm vui. Sau khi có bằng cử nhân, với thành tích học tập tốt, anh có một công việc ổn định. Anh luôn tâm niệm. “Đã sống thì phải sống sao cho có ích với gia đình và xã hội”. Thế nhưng, anh gặp chị và hai người đã đến với nhau như cái duyên. Cô con gái anh nay đã học lớp 9, hoàn toàn khỏe mạnh. Anh cho biết: “Đây là hạnh phúc lớn nhất mà cuộc đời bù đắp lại cho tôi. May thay, đứa con gái của tôi sau khi xét nghiệm thì không có biểu hiện gì của bệnh”. Anh chia sẻ, những thế hệ sau phải thật tỉnh táo trong việc kiểm tra và phát hiện sớm bệnh để biết cách phòng ngừa và điều trị đạt hiệu quả cao hơn nếu lỡ có mắc bệnh.

BS. Phù Chí Dũng cho biết: Hàng năm, riêng tại BV. Truyền máu và huyết học TP.HCM điều trị cho 4.200 bệnh nhân thuộc khu vực phía Nam (trong đó có 1.700 ca bệnh ở TP.HCM). Số ca mắc mới hàng năm của BV khoảng 1000. Riêng năm 2014, BV đã khám và điều trị cho 18.000 lượt bệnh và con số này vẫn tăng theo hàng năm.Cần phải nói thêm rằng, hiện nay, số lượng bệnh nhân TMBS đã làm các BV quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Để giảm số ca mắc TMBS mới, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xã hội trong việc nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cho người dân. Bệnh có thể được phát hiện bằng cách khám sàng lọc tiền hôn nhân hoặc chẩn đoán sớm trước sinh, vì vậy, nếu phát hiện thai mắc TMBS thể nặng thì vận động gia đình chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, cần có các chương trình quốc gia nhằm tầm soát quần thể dân số, thành lập cơ quan đăng bộ để xác nhận tình trạng sức khỏe trước hôn nhân.

NGUYỄN TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những biến chứng gây nguy hiểm ở bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một trong những bệnh có khả năng lây lan thành dịch cao nhất. Nhất là khi đối tượng mắc bệnh chủ yếu lại là trẻ em. Đối với nhữn...